[Câu chuyện dịch thuật] - "Mổ xẻ" trước khi dịch

Tin tức

[Câu chuyện dịch thuật] - "Mổ xẻ" trước khi dịch

280 Đánh giá
[Câu chuyện dịch thuật] - "Mổ xẻ" trước khi dịch
Khi học môn reading, sinh viên thường yêu cầu giáo viên dịch toàn bộ bài đọc. Điều này thể hiện một sai lầm phổ biến: đồng nhất hai kỹ năng đọc hiểu và dịch. Thực ra, người dịch không những phải hiểu thấu văn bản gốc, mà còn phải có khả năng diễn đạt lại cho người khác hiểu bằng ngôn ngữ đích. Nếu bất cẩn, người dịch chỉ chú ý nghĩa bề mặt (thường là do chỉ để tâm dịch từng câu riêng lẻ), mà bỏ quên mất nghĩa chiều sâu (do không xét đến văn cảnh).
Trong một bài trả lời phỏng vấn tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, GSTS Trần Văn Khê có nói một câu như sau: “Petrus Ký là tôi.” Giả sử phải dịch câu này sang tiếng Anh, có lẽ ta thường chọn cách “I am Petrus Ky.” hoặc “It’s I who is called Petrus Ky.” Nhưng ta thử xét kỹ văn cảnh: “Năm 1938, mỗi trường trung học chọn và cử học sinh giỏi nhất ra Hà Nội trên một chuyến tàu xuyên Việt. Trường Cần Thơ có anh Phạm Kim Âu, trường Mỹ Tho có anh Dương Văn Tích, và Petrus Ký là tôi”. Như vậy ta thấy xuất hiện một mối liên kết ý tưởng trong văn bản, tạo ra một nghĩa khác cho câu trên. Do đó cách dịch trên không đúng, mà sẽ có một cách dịch khác phù hợp hơn; chẳng hạn như “I was Petrus Ky Highschool’s representative.”  
Trong một bản tin bóng đá trước thềm World Cup 98, có câu hơi khó hiểu như sau: “Sự vắng mặt của Romario không gây thiệt hại lớn như người ta tưởng, vì mô thức Braxin chỉ được áp dụng vừa phải trong mùa bóng này.” Bài báo này đề cập đến đội hình Braxin thiếu Romario (do chấn thương) trong khi mọi người đang háo hức trông chờ màn biểu diễn của cặp Ro-Ro (Romario & Ronaldo). Câu tiếng Anh là: “Romario’s absence isn’t as much damage as it seems, because the Brazilian’s form has been moderate this season.” Cách dịch cụm the Brazilian’s form như trên có hai điểm sai. Thứ nhất là hiểu sai nghĩa chuyên biệt của từ form trong thể thao: không phải là mô thức, mà là phong độ(thi đấu).  Thứ hai là hiểu sai dạng ngữ pháp: người dịch không nhận ra dạng sở hữu cách với ’s, và tưởng Brazilian là tính từ; thực ra nó là danh từ, cộng với mạo từ xác định the.  Như vậy the Brazilian ở đây nghĩa là cầu thủ Braxin này, tức là chỉ Romario. Vậy nên dịch: “vì phong độ của cầu thủ này không được xuất sắc lắm trong mùa bóng này.
Các vấn đề đặc thù văn hóa và ngôn ngữ cũng cần được phân tích kỹ trong khi dịch. Tạp chí Newsweek số ra ngày 24/7/95 có bài “Was Queen Victoria a Bastard?” nói về hai nhà khoa học sau khi nghiên cứu hệ gen của hoàng gia Anh đã tỏ vẻ nghi ngờ về lai lịch của Nữ hoàng Victoria, họ cho rằng bà có thể là con ngoài giá thú. Bài này có câu: “The authors, the BBC noted last week, have asked questions ‘that once would have landed them in the Tower of London.’” Câu này có hai điểm cần mổ xẻ trước khi dịch. Thứ nhất là lối sử dụng giả định cách would have landed mà trong tiếng Việt không có; ở đây hàm ý một điều kiện ngầm. Do vậy, trong bản dịch, điều kiện ngầm nên được thể hiện thành một điều kiện rõ ràng, mặc dù trong bản gốc ta không tìm thấy bóng dáng của từ if. Thứ hai, cần phải hiểu ý nghĩa văn hóa của the Tower of London. Xưa kia, ở Anh, ai bị kết tội phản quốc sẽ bị dẫn qua Traitor’s Gate (Cổng dành cho kẻ phản bội) rồi bị tống giam trong Tháp Luân Đôn, mà đã vào đó rồi thì hiếm ai còn sống sót trở ra. Cách dịch “… đưa họ vào Tháp Luân Đôn” e rằng khó hiểu đối với người Việt. Sau khi “mổ xẻ” hai điểm trên, ta có thể dịch là: “Theo nhận định của đài BBC hồi tuần trước, các tác giả này đãđặt ra những câu hỏi có thể đưa họ lên giá treo cổ nếu (họ) ở thời xưa.
Trong ví dụ nêu trên, câu chuyện văn hóa bên ngoài câu chữ khó mà (hoặc không thể) tải được trong bản dịch. Tuy nhiên, đôi khi do may mắn ta có thể tìm thấy trong ngôn ngữ đích những yếu tố tương đương có thể thay thế cho những hình tượng văn hóa trong ngôn ngữ nguồn, như ví dụ sau đây. Nếu câu “Bacchus has drowned more men than Neptune.” được dịch thành “Bacchus đã làm nhiều người chết đuối hơn Neptune.”, thì quả khó hiểu đối với người Việt. Bacchus là thần rượu, còn Neptune là thần biển; tục ngữ này bàn đến tác hại ghê gớm của rượu. Do đó, có thể dịch nôm na là “Nhiều người chết đuối trong ly rượu hơn chết vì sông vì biển.” Tuy nhiên, nếu tinh ý, ta có thể dùng hình tượng Lưu Linh thay cho Bacchus, và Hà Bá thay cho Neptune; chẳng hạn có thể dịch “Nhiều người chết dưới tay Lưu Linh hơn dưới tay Hà Bá.” Như vậy, bản dịch vừa chuyển tải đúng thông tin vừa nghe rất tự nhiên. Thật không may, trên thực tế hiếm khi ta may mắn tìm được hình ảnh tương đương để thay thế như vậy.
Bài đã đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị khoảng năm 1999 (lâu quá nên không nhớ rõ ngày nào :) )
© 2011 Phạm Vũ Lửa Hạ


Thống kê truy cập

096.202.5757